Saturday, December 8, 2012

Nghĩa Trang Biên Hòa

Bài và ảnh: Trần Công Nhung

Trong một góc Đài Tử Sĩ!Điều đáng tiếc là trước 75 tôi đã không có dịp đến thăm Nghĩa Trang Quân Đội, một nghĩa trang tầm cỡ lớn được phác họa và tạo dựng bởi những bàn tay của một tập thể kỹ sư, kiến trúc sư, họa sĩ, điêu khắc gia hàng đầu của VNCH thời bấy giờ. Theo nhiều hình ảnh tài liệu để lại, cho thấy đây là một nghĩa trang quốc gia, nơi an nghỉ của những anh hùng tử sĩ đã hy sinh vì tổ quốc, tương lai đẹp không thua gì Arlington Cemetery của Hoa Kỳ. Cho đến tháng Tư 1975 đã có 16.000 chiến sĩ đền nợ nước tụ họp nơi này, 8.000 mộ đã được xây… Từ đó tất cả chìm vào lãng quên – Sự thực là thân nhân không có quyền hoặc sợ không dám thăm viếng. Nghĩa trang trở thành bãi rừng hoang phế, một vùng cấm địa thuộc quyền quân đội nhân dân cai quản.
Đài Tử Sĩ úa tàn
Gần ba mươi bảy năm trôi qua như một giấc mộng, nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại ngày “có triệu người vui, có triệu người buồn…” (1), không những buồn mà còn đau đớn cả hồn lẫn xác như mắc phải chứng bệnh nan y dai dẳng suốt mấy thập niên. Người đời thường nói “Thời gian là liều thuốc hàn gắn mọi vết thương”, có đúng vậy chăng? Một bài viết trên báo VietNamnet (19-04-2010):
“Ba mươi tháng Tư năm 2010, đất nước kỷ niệm 35 năm thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối. Hơn ba chục năm ấy là cả một chặng đường đầy khó nhọc để xây dựng đất nước từ những ngổn ngang, mất mát, đau thương.
Trong 35 năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, đưa ra nhiều chính sách nhằm hoà hợp dân tộc, không phân biệt người trong và ngoài nước…”. Đấy là nói, còn làm? Tôi lại nhớ câu chuyện với cụ bà Trương Thị Thú (2) “Nói thì có làm thì khôông”. Điều này người dân trong nước thuộc nằm lòng, bàn thêm vô ích. Ngay trong bài báo của VietNamnet kêu gọi “hòa giải hòa hợp: “…để tạo thành một khối sức mạnh dân tộc đồng thuận trong ngoài để đưa đất nước phát triển vẫn còn cần lắm lòng vị tha, bỏ qua quá khứ và định kiến vì một tình yêu nước thương nòi giữa những người Việt chung dòng máu Lạc Hồng” vẫn không dấu được cái nhìn đố kỵ đâm thọc với lời lẽ xuyên tạc mị dân rẻ tiền khi viết: “Pho tượng mang tên là 'tiếc thương', với ngụ ý là chỉ có người lính, mới biết thương cho thân phận của chính mình và các chiến hữu đồng đội, giữa một cái thế giới bạc đen vong ân bạc nghĩa của người miền nam lúc đó” (3). Tưởng đâu là tình cảm gà chung một mẹ người chung giống nòi, thôi thì bỏ qua mọi chuyện để cùng chung lo việc nước. Thế nhưng, chưa ngồi xuống anh đã xỏ xiên mạt sát khinh chê thiên hạ, thử hỏi làm sao nói chuyện với hạng người như vậy. Nếu tôi là giới chức có thẩm quyền, sẽ trị tội ngay tay viết nịnh bợ này (không khéo do bọn xấu cài), cố tình gây chia rẽ người giữa hai miền, làm tổn thương tình tự quê hương.

Tam cấp lên Đài Tử Sĩ
Trong lần về An Dương (Thuận An Huế) tìm lăng mộ của tập thể TQLC bị giết vì không ra kịp tàu để di tản, người chết đã 35 năm, xương phơi trên cát, dân gom về chôn trong vườn mỗi nhà năm ba bộ, nay xin hợp táng một nơi tươm tất nhưng gặp muôn vàn khó khăn, phải năm lần bảy lượt “trầy da tróc vảy” mới xong. Mộ không tên, phải ghi mộ cô hồn (một bác già tại đình An Dương tâm sự). Điều này tôi không lạ, vì mấy trăm năm trước mẹ con hoàng hậu Lê Ngọc Hân chết đã 38 năm còn bị vua Thiệu Trị đào mả đem hài cốt đổ xuống sông Hồng (4). Dân tộc ta vốn “hiếu hòa, trọng lễ nghĩa, văn minh thân thiện, nghĩa tử nghĩa tận” và hàng triệu khẩu hiệu ca ngợi con Hồng cháu Lạc, nên tôi vẫn tin rồi ra không thể lãnh đạm, thâm thù mãi thế này.

Bàn thờ trong Đài Tử Sĩ?
Hôm nay từ Sài Gòn tôi đi tìm Nghĩa Trang Quân Đội, biết là không xa chừng 30km thôi, nhưng đường đi thì không nắm vững. Ngày trước chạy ngoài xa lộ Biên Hòa (nay xa lộ Hà Nội!) nhìn vào thấy tượng người lính chiến trên đài cao, ngày nay chẳng biết “Thương Tiếc” về đâu (5). Địa hình địa vật biến dạng, nhà cửa cây cối mọc đầy, hơn nữa ai còn cho giữ những dấu tích của “ngụy quyền tay sai bán nước”?
Hỏi xã Bình An huyện Dĩ An, tôi chạy mãi lên đến cầu Đồng Nai. Một ông lão cho biết, phải chui qua cầu quay ngược lại. Đúng vậy, chỉ mấy cây số vào xã Bình An, hỏi dân quanh vùng ai cũng biết, người ta chỉ cho tôi ngọn đồi phủ cây cao trước mặt. Con đường chạy quanh đồi như đường vào làng, cây cối um tùm, nhà cửa kho bãi, tường vách nhăng nhít chẳng còn chút gì là dấu tích một nghĩa trang quốc gia nổi tiếng tráng lệ một thời. Có bốn lối đi lên đồi theo bốn hướng Đông Tây Nam Bắc. Mỗi lối có nhiều tầng tam cấp, mỗi tầng mươi lăm bậc, rộng gần mười mét. Đứng dưới đường nhìn lên, chỉ thấy tam cấp phủ rác lá dơ bẩn dưới tàng cây rậm rạp. Ngay chân tam cấp nơi mặt đường là chỗ đổ rác, đốt rác. Nếu bảo đi thăm Đài Tử Sĩ của nghĩa trang mà như vầy, ai không xót xa thương cảm. 
Trời nắng chói chang sao cảnh nhuốm màu ảm đạm. Vắng tanh và yên tĩnh, không người đi, không gió thổi. Quan sát một lúc, tôi chậm rãi bước lên Đền, vừa hình dung lại ngày xưa nơi đây hàng nghìn anh hồn tử sĩ đã được đồng đội, đồng bào rước lên đài làm lễ truy điệu, trong tiếng kèn đồng ai oán, qua hàng quân bồng súng chào trang trọng. Hình ảnh lễ tang rực rỡ hào hùng trong bầu không khí ngập tràn màu cờ sắc áo. Người người thương tiếc thắp nén tâm hương, nói lời tiễn biệt trước khi đưa anh ra nơi an nghỉ cuối cùng. Lên đến tầng cấp cuối tôi mới thấy ngôi nhà gạch bỏ hoang, tường vách mái ngói rách nát, cố lắm mới nhận ra Đài Tử Sĩ. Theo tài liệu cũ thì sau 75 bộ đội trấn đóng đã biến Đài Tử Sĩ (ĐTS) thành phòng ở, vách xây quanh, hai cửa ra vào theo hướng chính Nam Bắc, hai vách kia mỗi vách hai cửa sổ. Hiện trạng là căn phòng bỏ hoang rác rến dơ bẩn, giữa phòng có chiếc bàn trải tấm nhựa hoa xanh, lâu ngày bụi phủ dày một lớp trên mặt tưởng như mặt bàn bằng gỗ. Thêm vào đó các thứ bày biện lộn xộn: Bát nhang sành, bình hoa khô tự bao giờ, mấy chén nước cúng đen đúa… không thể nghĩ đây là bàn thờ dù là thờ kẻ chết bờ chết bụi. Lúc đưa máy chụp ảnh tôi mới nhận ra một chi tiết mà thoạt tiên chẳng hiểu gì: Bát nhang, ngoài chân nhang còn chân thuốc lá, chưa hề thấy bát nhang cắm thuốc lá bao giờ. Thì ra tình đồng đội nơi chiến hào chỉ có điếu thuốc chia sẻ cho nhau. Đã mấy mươi năm bạn nằm dưới mồ sâu hoang lạnh, gửi bạn một điếu cho đỡ ấm lòng. Do vậy mà anh em còn sống sót sau cuộc chiến, mỗi lần về thăm nghĩa trang, đốt cho bạn một điếu thuốc. Khói thuốc thay khói nhang đó là tất cả tình cảm huynh đệ chi binh. Nghĩ đến đấy tôi thật sự cảm động rơi nước mắt. Ấy vậy mà nỡ nào không cho đặt một bàn thờ tươm tất sạch sẽ hơn, thù hằn gì với người chết, ganh tỵ gì với hương linh người từng ôm súng bảo vệ quê hương. Nhớ chuyện nội chiến Bắc Nam của nước Mỹ mà buồn cho nước mình. Chung quanh chiếc bàn lớn còn một vài trang thờ nhỏ đặt ở góc phòng, cũng kiểu bỏ hoang không ai dọn dẹp, không phải là nơi nhang khói cho oan hồn tử sĩ. Không hẳn xã hội hôm nay thiếu một tấm lòng, chắc chắn có nhiều người muốn làm công quả việc hương khói nơi này, nhưng chuyện từ bi bác ái thời nay phải phép tắc khai báo khó khăn, khiến kẻ có lòng cũng phải làm ngơ.

Đường ngang qua Đài Tử Sĩ
Đài Tử Sĩ chẳng còn gì ngoài bộ sườn và mấy dãy cột hàng hiên chung quanh, toàn bộ công trình tô điểm trang trí hoa văn họa tiết đều bị phá bỏ. Nền nhà có một khoảnh bị cạy lên nay vá lại nham nhở, chẳng hiểu lý do gì.
Khuôn viên ĐTS vẫn còn bờ thành chung quanh, cổng tam quan hư hại nhiều, cây trang trí hai bên lối lên Đền không còn nữa, thay vào đó cỏ mọc và rác phủ đầy. Một điều hoàn toàn mới là các loại cây sao, cây muồng, và cây rừng hoang họ lá dầu được trồng đã mấy chục năm, nay lên cao như rừng già. 
Đứng trên ĐTS nhìn ra chung quanh không còn thấy cảnh nghĩa trang ngày trước, không thấy Nghĩa Dũng Đài, không thấy các khu mộ của 16 nghìn quân nhân đã hy sinh. Đường sá, nhà cửa, kho bãi đã cắt nát diện tích nghĩa trang. Khi một chứng tích không được thừa nhận thì với thời gian tất cả sẽ bị xóa nhòa. Ghi nhận bấy nhiêu, tôi đi lần xuống, hỏi chị chủ nhà bên kia đường, nơi có mộ của binh lính miền Nam ngày trước, chị bảo chạy vòng ra con đường phía sau sẽ thấy… Tôi đi tìm.

Tháng 3 – 2012

(1) Lời ông Võ Văn Kiệt.
(2) Làng gốm Phước Tích.
(3) Trích đúng nguyên văn, xin hiểu ý chứ câu văn chấm phẩy kiểu học sinh mới tập làm văn, rất khó chịu.
(4) Đón đọc đền Ghềnh và đền thờ Hoàng Hậu Lê Ngọc Hân (làng Nành).
(5) Thương Tiếc tượng do điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu. Rất nhiều huyền thoại về pho tượng sẽ ghi lại những kỳ sau. Có tin cho hay tượng đã nấu lấy đồng. 


Tượng Thương Tiếc
Không thấy một chỉ dẫn nào đưa tới nghĩa trang, tôi hỏi mấy ông trong một quán nhậu, họ nói: “Chú chạy qua bờ rào tôn xanh, có cửa vô nghĩa trang”. Không hiểu sao có chuyện bí mật như vậy. Chuyện mồ mã ma chay thì việc gì phải giấu giếm che đậy. Tôi chạy xe vào, một người đàn ông ra chận lại: 
- Anh đi đâu có việc gì? 
Thấy anh có vẻ tra hỏi xoi mói, tôi phải nhỏ nhẹ: 
- Tôi nghe nói về nghĩa trang này từ lâu, nay có dịp đi qua, ghé thăm thôi. 
- Tham quan hay thăm mộ? 
- Tham quan. 
Nói xong anh lấy xe máy chạy lòng vòng trong nghĩa trang. Nhìn qua một lượt, ngay chỗ tôi dựng xe, có một tấm bảng: “Nghĩa trang nhân dân Bình An. Đường vào các khu mộ”, ngoài ra không có gì là Nghĩa Trang Quân Đội. Cây cối xanh cao ngút ngàn như giữa rừng Trường Sơn. Xa xa một hai ngôi mộ xây tươm tất bên cạnh một vài nấm mồ bị bật nắp nằm nghiêng hoặc bể nát, đây đó từng đám mộ rời rạc, khó mà hình dung được đây là một nghĩa trang quốc gia đã từng được nhắc đến. Để có một sự so sánh mới cũ xin được ghi tóm tắt về lịch sử Nghĩa Trang Quân Đội ngày trước qua những tài liệu trên Net:
Có người nói Nghĩa Trang Quân Đội ra đời là do sáng kiến của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Điều này không sai, dự án đi từ Cục Quân Nhu phối hợp với Công Binh trình lên Tổng Tham Mưu, Tổng Cục Tiếp Vận rồi lên Bộ Quốc Phòng lên thủ tướng. Cuối cùng phải trình lên tổng thống quyết định. Dự án liên quan đến đất đai và nhiều lãnh vực khác trở thành một đề tài Liên Bộ. Từ Bộ Quốc Phòng, qua Bộ Công Chánh, Bộ Nội Vụ và liên quan cả đến Bộ Giáo Dục và Y Tế.

 Tam quan xưa và nay (hình lấy từ Net)
Tuy nhiên, sự ra đời Nghĩa Trang Quân Đội chính là từ những quân nhân vị quốc vong thân. Kể từ 1964 trở đi, Nghĩa Trang Quân Đội ở Gò Vấp đã chật hẹp, không đủ chỗ trong khi chiến tranh gia tăng, số tử sĩ càng ngày càng nhiều. Phần lớn sĩ quan của khu vực thủ đô đều chôn ở Nghĩa Trang Mạc Đĩnh Chi, Sài Gòn. Nơi đây đất cũng bắt đầu khan hiếm và rất tốn kém. Nhu cầu chôn cất tử sĩ, không phân biệt cấp bậc tại một nghĩa trang rộng lớn đã được nghĩ tới. Đơn vị Chung Sự cần phải có cơ sở hoạt động. Từ cấp dưới trình lên Cục Quân Nhu, lên Tổng Tham Mưu, Tổng Cục Tiếp Vận. Các sĩ quan Quân Nhu, Công Binh, Địa Ốc Tổng Tham Mưu bay trực thăng trên không phận Thủ Đức, Bình Dương, Biên Hòa, rà tìm khu đất đẹp để làm nơi an nghỉ nghìn thu cho chiến hữu.
Do đó chính những người đã vĩnh viễn nằm xuống thúc giục xây cất Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Sau khi trình duyệt nhiều lần, mô hình và vị trí nghĩa trang được Phủ Tổng Thống chấp thuận.
Vào một ngày đầu Xuân năm 1965, Thiếu Tướng Đồng Văn Khuyên từ Bộ Tổng Tham Mưu gọi điện thoại cho Đại Tá Nguyễn Thiện Nghị, Liên đoàn trưởng Liên đoàn 30 Công Binh Kiến Tạo đóng tại Hóc Môn để lên kế hoạch khởi công. Khu đất rộng 125 ha. ở phía tay trái xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa, được tuyển chọn làm nghĩa trang. Toàn thể khu nghĩa trang là hình con ong vĩ đại nằm quay đầu ra xa lộ. Giữa lưng con ong là Nghĩa Dũng Đài cao 43 mét. Đầu ong là Đền Tử Sĩ. Phía dưới chân đền là Cổng Tam Quan nối thẳng một đường dài ra xa lộ. Con đường này làm thành cây kim nhọn của con ong và đầu kim là bức tượng Thương Tiếc ngay cạnh xa lộ. Từ chân Nghĩa Dũng Đài trên lưng ong, chia ra 8 lô theo hình nan quạt. Phần đuôi ong hẹp, dài ra như quả trứng… Khu quốc gia dành cho các vị lãnh đạo, khu tướng lãnh, khu cấp tá, cấp úy và binh sĩ.

Nghĩa Dũng Đài bị cắt cụt (hình lấy từ Net)

Chiếc xe ủi đất đầu tiên của Tiểu đoàn 54 Công Binh bắt đầu khởi công xây dựng từng phần: Doanh trại của Liên Đội Chung Sự, khu nhà xác dựng lên năm 1966 để nhận thi hài tử sĩ đầu tiên. Nghĩa trang được hình thành với sự phối hợp giữa Quân Nhu và Công Binh. Công Binh tiếp tục làm đường, phân lô, xây Cổng Tam Quan, xây Đền Tử Sĩ, đúc các tấm ciment và làm mộ bia. Quân Nhu nhận tử sĩ từ các mặt trận chở về ngày đêm để chôn cất. Trận Mậu Thân, trận Mùa Hè Đỏ Lửa, trận Hạ Lào, trận Campuchia. Tử sĩ của các đơn vị tổng trừ bị đem về từ 4 quân khu cùng tử sĩ quân khu thủ đô và các tiểu khu lân cận. Tử sĩ của các quân chủng, nữ quân nhân, thiếu sinh quân, tất cả đều đưa về Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa 
Mộ chôn từ năm 68 Mậu Thân đến mùa hè đỏ lửa 72, đã có bệ ciment (nắp mộ). Mộ chiến sĩ tử trận sau năm 72 còn tạm đắp đất nằm vòng ngoài. Sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975, anh em Chung Sự còn phải chôn cất lần chót tất cả thi hài quân dân lẫn lộn vào những mộ tập thể. Từ đó đến nay không có ai được chôn cất thêm tại khu nghĩa trang lịch sử nữa. Sau 1975 Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa chỉ có mộ cải táng đem đi, không có chôn cất mới. Nỗi đau của Nghĩa Trang là những mộ bia bị đạn bắn, bị búa đập, bị ngả nghiêng, bia ký mất chữ, hình ảnh không còn nhận ra… bây giờ vẫn còn chưa được ai săn sóc sửa sang. 
Tôi đang loay hoay chụp ảnh thì người giữ nghĩa trang chạy xe đến hỏi: 
- Anh chụp ảnh nhiều ít? (không biết hỏi để làm gì). 
Tôi trả lời xuôi: 
- Chụp mấy mộ xây đàng hoàng thôi. 
Tôi nói thế để anh ta yên tâm tôi không phải đi tìm cái xấu xa để bôi bác. Bây giờ mọi thứ đã rõ, có bôi bác hay tô son cũng chẳng để làm gì, chẳng gạt được ai. Tôi hỏi thêm: 
- Những mộ đắp đất là mộ mới?
- Mộ cũ mấy người làm phước họ đắp lên. 

Nghĩa trang đã thay tên

Vậy là còn quá nhiều mộ phần sau 30 tháng 4 năm 75 chưa có người thân đến thăm. Tôi tiếp tục qua các khu mọ, vẫn cảnh chung chung u buồn, mộ phần được sửa sang lơ thơ một vài còn thì hoang phế. Nhìn những ngôi mộ bị bể nát, bia mộ bị sứt mẻ… tôi không dám hình dung cảnh trút đòn thù lên những biểu tượng vô tri câm nín, những biểu tượng cho biết nơi đây chấm dứt một đời nợ nần, không còn thù hận, không đòi hỏi chỉ xin được yên nghỉ… 
Thanh Nam đã viết về nghĩa trang sau 75:
… Ta như người lính thua trận
Nằm giữa sa trường nát gió mưa
Khép mắt cố quên đời chiến sĩ
Làm thân cây cỏ gục ven bờ
Chợt nghe từ đáy hồn thương tích
Vẳng tiếng kèn, truy điệu mộng xưa...
Tôi lần bước trở ra tưởng như đi giữa rừng hoang, cây cối che kín mặt trời, không chút gió không tiếng chim, tất cả câm nín lạnh lùng. Chung quanh tôi vẫn còn đây hàng nghìn người đã đem máu đào tô thắm quê hương từ biển đảo tít mù khơi vào đất liền, từ đồng bằng bát ngát lên cao nguyên núi rừng trùng điệp, họ được gì? Mất gì?
Trở lại chỗ để xe, chợt nhớ người lính nhảy dù bao nhiêu năm trời ôm súng ngồi đầu ngõ vào nghĩa trang, canh cho bạn mình được yên giấc, tôi hỏi anh “bảo vệ”: 
- Anh biết pho tượng Thương Tiếc giờ ở đâu không? 
Anh nhìn tôi trân trân: 
- Không. 
Tôi thấy nên rút nhanh, không phải vì âm khí nặng nề mà “dương khí” có vẻ không ổn. Tạm biệt các anh.
Giao Chỉ – San Jose viết:
Nghĩa tử là nghĩa tận, 
Nghĩa nào là nghĩa trang? 
Từ muôn trùng xa cách 
Nhắn ai về cố hương, 
Đốt nén nhang viễn xứ 
Gửi người dưới mộ hoang. 
Bao nhiêu năm quên lãng 
Chợt xót thương một lần...

Mộ bị hư hại
Chuyện về tượng Thương Tiếc:
Nhiều tác giả kể những mẫu chuyện huyền bí về pho tượng người lính chiến “Thương Tiếc” được nhà điêu khắc Nguyễn Thanh Thu thực hiện và được an vị đầu đường vào Nghĩa Trang Biên Hòa. Thực hư thế nào không ai xác quyết, nhưng do nhiều “người thật” kể, tôi tóm tắt tác giả Mạc Nhiên thuật lại trên Net http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1162 như sau:
Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu, cấp bậc Đại Úy, phục vụ tại Cục Chiến Tranh Chính Trị, là người chịu trách nhiệm thực hiện tượng đài kỷ niệm “Thương Tiếc” cho Nghĩa Trang. Mới đầu nghệ sĩ Thu phác họa mô hình trên giấy và thạch cao những “mẫu” Tượng nhưng vẫn chưa hài lòng tác phẩm nào cả.
Tình cờ một hôm, Đại Úy Thu đến thăm bạn ở Tiểu Đoàn III Nhảy Dù, nhà ở trong doanh trại ở Ngã Tư Bảy Hiền Sài Gòn. Tiểu Đoàn Trưởng, Thiếu Tá Trần Quốc Lịch, Tiểu Đoàn Phó, Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Ngọc Hạnh. Nhưng trước khi vô nhà bạn, Thu ghé vào quán giải khát trước cổng. Lúc vào quán Đại Úy Thu chú ý một Hạ Sĩ Nhảy Dù đang ngồi nhậu La De. Trên bàn chỉ một mình anh nhưng có hai ly bia đầy. Mỗi khi cầm ly bia lên, anh Hạ Sĩ Nhảy Dù vẫn không quên cụng ly bia đối diện và nói:
- Uống đi mày, uống đi mày…
Tiếng cụng ly, lời mời vẫn đều đặn từng chặp. Thoạt đầu, Đại Úy Thu nghĩ anh này đã say nên không kềm chế được hành động, nhưng nhìn xung quanh chẳng ai thắc mắc thái độ lạ lùng đó, có lẽ họ đã hiểu tâm sự của anh.
Anh Hạ Sĩ lại tiếp tục, tay cụng ly, miệng nói:
- Uống đi mày …
Ông Thu hiếu kỳ, nhìn nét mặt buồn, đau xót vời vợi của anh Hạ Sĩ. Ông hỏi chủ quán sự tình rồi đến bàn anh để tìm hiểu thêm. Anh Hạ Sĩ điềm tĩnh trả lời:
- Trình Đại Úy, tôi và người bạn ở Vùng 4, rủ nhau gia nhập binh chủng Nhảy Dù cùng một ngày. Sau thời gian huấn luyện, cả hai về Tiểu Đoàn III. Nay… người bạn thân đã chết ở trận địa…
Nói tới đây anh Hạ Sĩ nghẹn ngào, ngưng lại một lúc như để cho cơn xúc động lắng xuống. Anh lại nâng ly, cụng vào ly bên kia và miệng nói:
- Uống đi mày… Có Đại Úy đang uống với tao đây.

Đài Tử Sĩ bây giờ (hình lấy từ Net)

Sau đó anh nói tiếp:
- Từ ngày bạn tôi mất tôi rất buồn, khi ra đi có nhau, nay còn một, đôi lúc tôi muốn đào ngũ về quê, nhưng về quê tôi cũng không tìm lại được nó nữa, ở đâu tôi còn tìm thấy hình bóng của nó?…
Người Hạ Sĩ Nhảy Dù buồn vời vợi và tình bạn thắm thiết của anh đã gây cho Nghệ Sĩ Thu một xúc động tràn ngập, vô bờ. Từ giao cảm thiên thu đó, nhà điêu khắc xin phép Tiểu Đoàn Trưởng cho biệt phái anh Hạ Sĩ làm người mẫu để ông hoàn thành bức tượng đài kỷ niệm. Bức tượng “THƯƠNG TIẾC” được hoàn thành đầu tiên bằng xi-măng.
Sau đó, anh Hạ Sĩ Nhảy Dù trở về đơn vị, và trong một trận chiến quyết liệt ở Tam Quan, Bồng Sơn, anh đã hy sinh trên trận địa để sang bên kia thế giới với người bạn cố tri ngày nào. Anh Hạ Sĩ sầu vời vợi vĩnh viễn ra đi, nhưng hình ảnh còn ghi mãi mãi trong lòng chúng ta.
Nếu câu chuyện đến đây chấm dứt cũng đã nhiều lạ lùng kỳ diệu về tình bạn, tình chiến hữu, nhưng bức tượng lại còn những kỳ bí khác nữa, có thể vì những kỳ bí mà bức tượng xi măng đã đổi thành tượng đồng. Sau đó, biết bao huyền thoại bí ẩn về bức tượng…

Tháng 4 – 2012 


Tượng Thương Tiếc - ảnh từ Internet
Huyền thoại về pho tượng Thương Tiếc được lan tỏa khắp nơi và khá nhiều chuyện tình tiết khó hiểu:
- Các xe chở rau từ Đà Lạt về khuya thường gặp một người lính ra chặn xe xin mua rau, khi tới bến kiểm lại tiền chỉ thấy toàn là tiền vàng mã.
- Một chuyện khác xảy ra ở Biên Hòa, vào một buổi sáng, có một quân nhân đặt mua bánh mì khá nhiều, khi giao hàng cho người quân nhân ra về, người chủ cất tiền vô tủ, đến lúc cần tiền lấy hàng, mở tủ ra chỉ thấy toàn tiền vàng mã, trong khi đó mỗi mộ ở nghĩa trang đều được cúng một khúc bánh mì…
- Có một cụ già ở chân núi Châu Thới, đêm nọ trời đã khuya, cụ nghe tiếng gọi ở ngoài xin nước uống. Khi đem nước và đèn ra cho người xin nước, thoạt đầu cụ tưởng như những lần quân đội hành quân vào xin nước. Nhưng khi người lính uống xong, ngẩng mặt lên cám ơn ra đi thì cụ chợt sửng sốt, tự nghĩ “sao lại có người lính giống tượng Thương Tiếc đến như thế?”. Sáng hôm sau cụ già ra nghĩa trang để kiểm lại, cụ nhận thấy mặt mũi vóc dáng anh lính xin nước tối qua y hệt pho tượng Thương Tiếc, vết sình non hãy còn dính đầy đôi giầy trận, cụ cho rằng đêm qua bức tượng đã hiện thành người. Cụ về thuật lại với bà con ở Suối Lồ Ô, một người đi xem rồi về đồn mười, đồn trăm… lan khắp cả Thủ Đức, Tân Vạn, Biên Hòa, đổ nhau đi coi tượng đài Thương Tiếc làm xe cộ kẹt cứng cả một quãng đường trước cổng nghĩa trang.
- Một chuyện khác, những đêm trăng, những đêm mưa gió trở trời hiu hắt, dân chúng xung quanh vùng nghĩa trang có người nhất quyết chính mắt họ trông thấy người lính giống hệt bức tượng Thương Tiếc đi lại trên Xa Lộ!
Truyện huyền bí lan truyền rất nhiều trong dân chúng và trong Quân Đội. Một số sĩ quan yêu cầu Chuẩn Úy Thường vụ Chung Sự Nghĩa Trang cho biết những gì thật sự mắt thấy tai nghe, Chuẩn Úy Thường Vụ Kể:
“Nhân một hôm đi chợ Tam Hiệp sắm đồ giỗ ông già, khi mua xong, tôi cho tài xế đem về nhà trước. Tôi ghé thăm các bạn ở Tam Hiệp và mời họ đến nhà ăn giỗ ngày hôm sau. Khi về, trời sẩm tối, đến cổng nghĩa trang, tôi nghỉ chân dưới bức tượng. Không biết cao hứng thế nào, trước khi lội bộ về nhà, tôi nhìn lên tượng, và nói với giọng điệu cố hữu của một Thượng Sĩ đại đội:
- Ê mày, mai giỗ ông già tao, mày có rảnh ghé nhà tao 2 giờ chiều nhậu chơi.

Tượng Thương Tiếc trước và sau 75 - ảnh từ Internet
Nói xong tôi bước về nghĩa trang vì tôi ở phía sau khu nhà phục dịch chung sự. Tám giờ sáng hôm sau, việc cúng giỗ bắt đầu và tiệc nhậu kéo dài đến một giờ chiều. Tiễn khách ra về xong, tôi đi ngủ, phần vừa say, phần vì đêm qua thức khuya. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi nghe tiếng gõ cửa ầm ầm. Nhà cửa rung rinh, tôi giật mình la to: 
- Ai phá nhà tao đó?
Tiếng gõ cửa vẫn không dứt, tôi bực bội đứng dậy mở cửa, tôi sửng sốt, thấy tượng Thương Tiếc đứng chình ình trước cửa và nói:
- Chuẩn Úy Thường Vụ Bê bối quá, kêu hai giờ chiều đến nhậu, nhưng ông nằm say sưa ngủ tôi nhậu với ai?…
Tôi hoảng, đóng sập cửa lại, không dám ngó ra ngoài. Tôi nghe tiếng cười khằng khặc và bước đi rung rinh nhà, tiếng chân xa dần rồi im bặt”.
Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng Đại Đội Chung Sự Nghĩa Trang Biên Hòa kể trường hợp ông gặp tượng Thương Tiếc ngồi sau xe Jeep của ông:
“Khi chạy xe vào Nghĩa Trang, tôi hay dừng lại, đón những binh sĩ đi bộ từ cổng vào, cho họ đỡ mỏi chân. Một buổi trưa, ăn cơm xong, trở lại làm việc, lúc tới cổng nghĩa trang, tôi dừng xe đón một Hạ Sĩ xin quá giang. Lúc anh ta ngồi vào phía sau, tôi bắt đầu rồ ga, sang tay số tiếp tục chạy vào trong. Rồ ga hoài mà xe không tiến thêm môt tí nào… Tôi quay ra, định nhờ anh lính xuống đẩy giùm… thì thấy bức tượng Thương Tiếc đang ngồi phía sau. Tôi chưa kịp phản ứng gì thì có tiếng nói cất lên:
- Xe jeep Thiếu Tá sao chở nổi tôi…
Tiếp đó là một tràng cười khằng khặc, đồng thời bức tượng cũng biến mất”.
Vị Thiếu Tá còn kể tiếp:
“Nghĩa trang ở trên đồi vào tháng mưa cỏ mọc um tùm nên phải thuê người vô cắt cỏ. Trong lúc một cô đang cắt cỏ, có một anh binh sĩ đến tán tỉnh, vì quen với lối trêu chọc của lính nên cô chẳng thèm quay lại xem hình dáng người tán tỉnh mình là ai. Cô nghe tiếng người lính hỏi:
- Cô có biết tôi là ai không?
Cô gái vẫn cắm cúi làm việc và trả lời:
- Ông là ai, kệ ông chứ mắc mớ gì tôi…
Bỗng cô gái nghe một tràng cười ngạo nghễ từ phía sau và những bước chân thật nặng nề rung chuyển cả đất. Bấy giờ cô mới quay lại, thấy bức tượng đài kỷ niệm đang đứng trước mặt. Cô la hoảng, chạy vào khu làm việc, kể lại sự tình vừa xảy ra cho tôi nghe, đồng thời cô cũng xin nghỉ việc ngay ngày hôm đó…”.
Một chuyện khác: “Vào giữa một đêm trăng mờ năm 1968, một chiếc xe đò chở đầy hành khách từ miền Trung về, khi tới xa lộ còn cách nghĩa trang quân đội 500 thước, viên tài xế bị ngủ gật nên thắng gấp, khiến bánh xe trợt một đoạn dài, rồi lật nghiêng. Trong lúc mọi người đang khóc than, đang tìm cách đập vỡ cửa kiếng chui ra, thì chợt có tiếng nói vang lên: 
- Xin đồng bào bình tĩnh... xin đồng bào bình tĩnh... ai đâu ở đó... đã có lính nhảy dù đến cứu bồ. 
Tiếng nói vừa dứt thì xe được đẩy lại dựng đứng như cũ, anh tài xế cùng lơ xe và khách vừa mở cửa ra ngoài, vừa hết lời khen sức mạnh ghê gớm của đại ân nhân. Thế nhưng mọi người chỉ thấy ân nhân dáng người cao lớn đứng sừng sững bên kia đường, rồi ông ta bước từng bước rất dài về phía trước. Tới trước cửa nghĩa trang quân đội thì biến mất. Anh tài xế bỗng la thất thanh, chỉ vào pho tượng Thương Tiếc: 
- Bà con ơi... ổng đó... ổng đó... Trời ơi... trời ơi... ổng hiển linh cứu bà con mình. Thế là mọi người vội leo ngay vào trong xe, rồi ai nấy đều chắp tay lạy... đều đọc kinh râm ran... cả kinh Phật lẫn kinh Chúa”.
Chuyện tượng Thương Tiếc cứu người bị cướp: “Vào lúc 10 giờ tối tháng 3 năm 1969, có hai cặp tình nhân đi trên hai chiếc Honda ra xa lộ hóng gió, gần tới nghĩa trang thì bị ba chiếc khác chở 6 thanh niên tóc dài ép té bên đường. Liền sau đó 3 tên ngồi phía sau nhảy xuống dùng dao uy hiếp khổ chủ để cướp xe và lấy tiền. Trong lúc bọn cướp cạn đang trói các nạn nhân, thì bỗng có tiếng hét lớn trên đầu dốc: 
- Chớ làm càn... chớ làm càn. 

Đường lên đền Tử Sĩ - ảnh từ Internet
Rồi liền đó xuất hiện ở giữa đường xa lộ một bóng đen... Bóng đen khệnh khạng đi tới, một tên cướp hoảng hốt gào lên: 
- Ối giời ơi... ma ma, chạy... chạy... 
Thế nhưng không làm sao chúng chạy được, cứ thế đứng sững như trời trồng, bóng đen hai tay xách bổng hai chiếc Honda bỏ bên vệ đường, vừa lúc đó có bốn chiếc xe chạy đến, một xe Cảnh Sát đi tuần, một xe Jeep của bốn quân nhân nhảy dù, trên có một Trung Tá, còn hai xe kia là du lịch. Thấy chuyện lạ, các xe ngừng hết lại. Dưới bóng tối mờ mờ mọi người thấy trên đỉnh dốc có một bóng đen đứng hiên ngang lừng lững. Khi rõ chuyện, Cảnh Sát đến chỗ bọn cướp, đứa nào đứa nấy cứ như bị điểm huyệt. Một người lớn tiếng hỏi:
- Còn ai đứng ở trên kia đó...
Một tràng cười vang lên, rồi một giọng như sấm động... 
- Cố gắng, Nhảy Dù... cố gắng. 
Như hiểu ra chuyện, vị Trung Tá nhảy dù trấn an mọi người: 
- Không sao đâu, pho tượng Thương Tiếc đi tuần thôi. 
Sau đó ông vẫy tay la to: 
- Về nghỉ đi em, khuya rồi... Nhảy Dù... 
Bóng đen bỗng đứng nghiêm giơ tay chào: Cố gắng... Tuân lệnh Trung Tá”.
Tôi chợt nhớ một đoạn trong bài học thuộc lòng thời xa xưa:
Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước.
Họ là kẻ tự nghìn muôn thuở trước
Đã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu
Và làm cho những đất cát hoang vu
Biến thành một dải sơn hà gấm vóc
Chuyện hiển linh xưa nay không hiếm, nhưng những huyền thoại về pho tượng Thương Tiếc, sống động như chuyện đời thường, chuyện hàng ngày trước mắt, khiến cho ai nghe cũng cảm động nghiêng mình kính cẩn và hết lòng thán phục. Sống nằm gai nếm mật bảo vệ quê hương, chết hồn thiêng còn hiện về giúp người hoạn nạn…Dù có bị làm nhục phỉ báng cũng không quên vai trò của người lính chiến. 

Tháng 4 - 2012 

No comments:

Post a Comment